Bí mật về tác hại của đường bị che giấu suốt 50 năm

Thứ bảy, 25/11/2017 11:07
0
0
Ngành công nghiệp đường đã chặn đứng một nghiên cứu về tác hại của đường cách đây 50 năm. Bởi, kết quả đã chỉ ra mối liên hệ giữa đường với bệnh tim và ung thư. Nếu được công bố, nghiên cứu sẽ sớm cho chúng ta thấy tác hại ghê gớm của đường.

Một tài liệu vừa được công bố trên tạp chí PLOS Biology tiết lộ: Ngành công nghiệp đường đã chặn đứng một nghiên cứu khoa học vào năm 1968. Tại sao họ phải làm vậy? Bởi nghiên cứu này chỉ ra rằng, việc ăn nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ung thư. Nếu nó được công bố với toàn thế giới, chúng ta chắc chắn sẽ không tiêu thụ nhiều đường như hiện nay.


Theo như bài báo mô tả, khoảng 50 năm trước, ngành công nghiệp đường có tài trợ cho một số nghiên cứu khoa học. Công việc được thực hiện thông qua một nhóm thương mại được gọi là Quỹ Nghiên cứu Đường quốc tế (ISRF).

Trong số các công trình nhận tài trợ, có một nghiên cứu trên chuột gọi là Dự án 259. Nghiên cứu này được thực hiện năm 1968, do nhà khoa học W.F.R Pover đến từ trường Đại học Birmingham làm chủ dự án.

Dự án 259 đã bước đầu tìm ra mối liên hệ giữa việc ăn nhiều đường với sự phát triển của bệnh tim, thậm chí là ung thư bàng quang. Khi đó, ISRF đã cắt hoàn toàn tài trợ cho nghiên cứu này. Vì không có kinh phí bổ sung, Dự án 259 đã bị chấm dứt và kết quả của nó chưa bao giờ được công bố.

Đây không phải là lần đầu tiên một dự án khoa học bắt buộc phải ngừng lại vì ngành công nghiệp này không chịu rót vốn. Một sự can thiệp khác nhằm thao túng các kết quả khoa học của ngành này cũng từng bị phanh phui vào năm 2016. Theo đó, các tài liệu bị phanh phui đã cáo buộc ISRF - sau này được gọi là Quỹ nghiên cứu đường (SRF) – hối lộ cho 3 nhà khoa học của Đại học Harvard vào những năm 1960 để che giấu mối liên hệ giữa đường và bệnh tim, đồng thời đổ lỗi nguyên nhân này cho chất béo bão hòa.

Tài liệu tiết lộ mới đây của tạp chí PLOS Biology tiếp tục củng cố các bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp đường đã “tác động” đến khoa học. Ý định của họ là dập tắt tận gốc các cuộc thảo luận về tác hại của đường với sức khỏe, thông qua các quỹ tài trợ nghiên cứu.

"Nếu Dự án 259 được hoàn thành và công bố, nó sẽ thúc đẩy một cuộc thảo luận khoa học về mối liên quan giữa đường và bệnh tim”, giáo sư y khoa Stanton Glantz tại Đại học California cho biết. "Và họ (ngành công nghiệp đường – NV) đã ngăn cản chuyện đó xảy ra”.


Tác hại của đường là thứ mà ngành công nghiệp sản xuất đường muốn che dấu.

Nghiên cứu sự ảnh hưởng của một số thực phẩm nhất định đến sức khỏe là vấn đề rất quan trọng. Bởi, nó giúp chính phủ định hướng các hướng dẫn chế độ ăn để ngăn ngừa bệnh tật. Tuy nhiên, khoa học về dinh dưỡng đôi khi bị thao túng bởi các nhóm ngành công nghiệp có liên quan.

Năm 2015, The New York Times phản ánh rằng, Coca-Cola đã trả cho các nhà khoa học để làm giảm sự chú ý của công chúng vào mối liên hệ giữa đồ uống có đường và bệnh béo phì. Năm 2016, Associated Press cũng phanh phui việc các công ty sản xuất kẹo tài trợ cho một nghiên cứu giả để chứng minh rằng: trẻ ăn kẹo có cân nặng thấp hơn những trẻ không ăn.

Marion Nestle, giáo sư dinh dưỡng, nhà nghiên cứu thực phẩm và sức khỏe cộng đồng tại Đại học New York, đang viết hẳn một cuốn sách về vấn đề thao túng khoa học của các nhóm ngành công nghiệp. Theo bà, điều này cũng xảy ra trong lĩnh vực dược phẩm, khi một số công ty có thể ngăn chặn các nghiên cứu gây bất lợi cho các sản phẩm thuốc của mình.

Trở lại với Dự án 259, đó là một nghiên cứu khảo sát mối liên hệ giữa các loại đường và một loại chất béo trong máu gọi là triglyceride, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Năm 1968, các kết quả sơ bộ từ Dự án 259 cho thấy những con chuột ăn nhiều đường có mức triglycerides cao hơn. Đồng thời, những con chuột này cũng có mức độ enzyme gọi là beta-glucuronidase trong nước tiểu cao hơn. Enzyme này được cho là có liên quan đến các triệu chứng của ung thư bàng quang.

Cũng theo các tài liệu bị phanh phui trên tạp chí PLOS Biology, những phát hiện từ Dự án 259 được mô tả là "một trong những dấu hiệu đầu tiên về sự khác biệt sinh học giữa những con chuột ăn đường sucrose". Sau 27 tháng tài trợ dự án này, ISFR đã cắt nguồn tiền. Vì vậy, nghiên cứu này chưa bao giờ hoàn thành và kết quả của nó cũng chưa bao giờ được công bố.

"Tại sao họ muốn tài trợ cho nghiên cứu mà có thể chống lại lợi ích của họ chứ? Chẳng có lý do gì để họ muốn làm điều đó cả", giáo sư Nestle cho biết.


Dự án 259 chỉ ra mối liên hệ ban đầu giữa tiêu thụ đường với bệnh tim và ung thư bàng quang.

Trong một tuyên bố đáp lại, Hiệp hội Đường Hoa Kỳ - tên gọi mới của ISRF ngày nay - đã chỉ trích bài báo của tạp chí PLOS Biology. Họ không công nhận đó là một nghiên cứu khoa học mà chỉ gọi nó là một "quan điểm". Hiệp hội này giải thích Dự án 259 đã kết thúc vì nó "quá chậm tiến độ" và "thường xuyên bị đội ngân sách”.

"Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, Hiệp hội Đường đã chấp nhận các nghiên cứu khoa học mới và tiến bộ nhằm nỗ lực thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về đường, các chế độ ăn uống và sức khỏe", đại diện của ISRF cho biết thêm.

Không thể nói liệu những phát hiện ban đầu của Dự án 259 có được khoa học xác nhận lại hay không. Nhưng các nghiên cứu khoa học khác ngày nay cũng chỉ cho chúng ta biết rằng: ăn nhiều đường phụ gia – có trong nước ngọt, đồ ngọt và ngũ cốc ăn sáng chẳng hạn - làm tăng nguy cơ chết vì bệnh tim.

Walter Willett, giáo sư về dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho biết: "Vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng rằng đường là nguyên nhân gây ra ung thư bàng quang hoặc các ung thư khác ở người. Nghiên cứu trên chuột này không liên quan trực tiếp tới ung thư ở người, và nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những kết luận của nền khoa học ngày nay".

Tuy nhiên, trở lại những năm 1960, kết quả sơ bộ từ Dự án 259 đủ thú vị để đảm bảo một loạt các nhà khoa học khác sẽ tập trung mối quan tâm của họ vào đường. Có điều, ngành công nghiệp đường đã cắt tài trợ dự án bởi vì họ không thích kết quả phía sau đó.

Giáo sư Nestle đồng ý với quan điểm này. Dẫu việc tài trợ hay không là quyền của ISRF, nhưng rõ ràng, ngành công nghiệp đường đã không tài trợ vì lòng nhiệt tình khoa học của họ. "[Họ tài trợ] không phải là vì khoa học. Đó là vì tiếp thị”, giáo sư Nestle nói. "Nếu [họ tài trợ nghiên cứu] vì khoa học, họ sẽ theo đuổi kết quả đến cùng [thay vì chặn đứng] nó".

Theo Trí thức trẻ/Theverge/ZKnight

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG