Nếu không có những ánh mắt rực lửa, bao giọt mồ hôi và cả dòng nước mắt nghẹn ngào của nhiều đầu bếp chuyên nghiệp khắp ba miền thì Chiếc Thìa Vàng 2015 không tạo được tiếng vang đến vậy...
Mặc dù năm nay, chiếc Cúp Đầu
bếp danh giá cùng cả tỉ đồng đã có chủ nhân - đội Khách sạn Lotte Hà Nội, song
nhìn lại cả hành trình, cần viết đôi dòng về những cánh én khác, cũng là những
“đại sứ” thầm lặng quảng bá ẩm thực Việt. Về mặt nào đó, họ đã thành công khi
thể hiện được đam mê nghề bếp và mang món ăn quê nhà giới thiệu một cách sinh
động, hấp dẫn.
Hạnh phúc thay, họ đều là những
đầu bếp trẻ!
1. Cái nhìn vừa
bẽn lẽn vừa chăm chú của đầu bếp Trần Thị Khuyên, đội Nhà hàng tiệc cưới Thảo Ngoan (Đồng Nai), khi cuộn những cuộn bún ngũ sắc đã lôi cuốn sự
chú ý của một đồng nghiệp mê viết ẩm thực: ánh nhìn của một người thợ đang say
nghề!
Đầu bếp Trần Thị KhuyênHỏi thêm mới biết, chính đầu bếp
8X này đã chạy đi “năn nỉ” anh Trần Cường Thịnh gia nhập đội, cùng đi đấu Chiếc
Thìa Vàng. Bởi nhóm Khuyên mới có hai người, chưa đủ thành một đội, theo quy
định của Ban tổ chức.
Những sợi bún mảnh mai, đủ màu:
đen tuyền (nhuộm màu tro tre), xanh lam (từ lá trà xanh), đỏ hồng (“cơm” trái
gấc), tím than (lá cẩm)... dưới đôi bàn tay thuần thục, cứ thay phiên nhau quấn
quýt quanh đôi đũa tre mi ni. Đây là món phụ trong tô hủ tíu củ chóc (họ cây
ráy) nấu với thịt gà ta và “cơm” trái mãng cầu gai còn xanh - một trong bốn món
dự thi vòng bán kết khu vực phía Nam (ngày 28.10). Khi người đầu bếp tận tâm -
hạnh phúc dâng tràn thì chất lượng món ăn khó mà dở được.
Những đầu bếp say nghề, kể chuyện văn hóa bằng món ngon tại chung kết Chiếc Thìa Vàng 2015
Và trong vòng chung kết (ngày
2.12) gay go, đối đầu với chiếc hộp đen hóc búa, chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh
nữ đầu bếp mẫn cán ấy. Bên cạnh hai đồng nghiệp nam, Khuyên như con thoi liên
kết công việc của cả ba lại với nhau. Chính sự phối hợp cương - nhu trong công
việc, cùng thực đơn độc đáo, món ăn lấy ý tưởng từ truyền thuyết đã giúp các
đầu bếp đến từ Đồng Nai đoạt giải nhì - hạng mục món ăn sinh dưỡng...
2. Trong hành
trình khám phá và quảng bá món ngon Việt Nam mùa thứ ba của Chiếc Thìa Vàng,
phải kể đến đóng góp ngoạn mục của các đầu bếp trong việc giới thiệu những loại
gia vị mới cho bản đồ gia vị Việt. Những đóa bông giờ (giề) chân phương lung
linh sắc tím nhụy vàng sau trận mưa lớn làm mềm đất cằn miền Trung là một ví
dụ. Anh Nguyễn Công Trứ (sinh năm 1983), đại diện khách sạn
Yasaka Hương Sen (Phú Yên) đã hớn hở “rủ” cây bông giờ với cùi vi cá mập đi dự
thi món ăn vàng. Hôm đó, sau khi thử món, nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân khen hết lời:
“Nó giòn sừn sựt mà không tanh”. Ở vòng thi sơ tuyển, đội của anh cũng giới
thiệu loại lá dít nấu lẩu gà mang lại hương vị mới lạ.
Đầu bếp Nguyễn Công TrứMười sáu năm kinh nghiệm trong
nghề của đầu bếp Nguyễn Công Trứ là 16 năm nỗ lực không ngừng. Anh tiếp cận
nghề này từ thuở cắp sách đến trường, nhưng là những công việc phụ lặt vặt kiếm
tiền học. Đam mê ấy lớn lên, với quyết định vào TP.HCM đăng ký học nghề đầu
bếp. Sau khi tốt nghiệp, anh ở lại tìm việc với mong muốn tích lũy kinh nghiệm
trong môi trường làm bếp chuyên nghiệp. Hai năm sau anh mới về quê.
Hôm tham gia bán kết, Công Trứ
vừa khỏi bệnh. Sau hành trình dài từ miền Trung vào thi, phải chạy liên tục hai
tiếng đồng hồ, khuôn mặt anh đẫm mồ hôi, pha chút thất thần. Nhưng ý chí của
người đầu bếp, cùng tâm niệm quảng bá món ngon Phú Yên của anh đã chiến thắng.
Tuy phải dừng lại ở vòng bán kết phía Nam, Trứ vẫn không nản chí: “Năm sau, từ
món ăn đến cách bày trí sẽ phải tân tiến, sắc sảo hơn!” Hãy đợi đấy!
3. Và tiếc nuối
hơn khi phải dừng bước ở bán kết là trường hợp đầu bếp rất trẻ Trần
Thượng Công, sinh năm 1988, đội Hilton Hanoi Opera. “Cay chứ: gần như
mọi thứ đều chống với mình!”, Công tâm sự. Dù có lợi thế đội chủ nhà nhưng từ
hơn 4 giờ sáng, ba thành viên trong đội đã quày quả nguyên vật liệu, đồ nghề
nấu nướng tới điểm thi. Hồi hộp và lo lắng, họ đến sớm hơn một chút để có thời
gian chuẩn bị. Vậy mà lúc đang chọn bát đĩa thì bị cúp điện, phải bật đèn pin
điện thoại mà tìm.
Đầu bếp Trần Thượng CôngVào làm, hai thành viên phụ bếp
không hiểu sao cứ như bị “đứng hình”. Công hiểu, những đồng đội trẻ của mình
lần đầu tiên tham dự một sân chơi lớn, còn nhiều bỡ ngỡ. Về phần mình, hai đêm
liền Công không thể chợp mắt. “Thi xong, tắm cái cho tỉnh vậy mà khóc luôn! Cay
thì cay lắm mà vẫn thấy sướng! Vì mình được đấu với toàn sao bếp và những đàn
anh đàn chị lão luyện”. Bài học đầu tiên mà Công rút ra được: phải chiến thắng
bản thân trước; bài học thứ hai là học hỏi một số vốn về cách trình bày món ăn.
Dù buồn khi không được thành quả
tốt nhất trong cuộc thi nhưng anh nhanh chóng tìm lại được sự cân bằng, bởi
tình yêu công việc cũng như những điều lớn lao hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Hỏi Công năm sau còn dám thi nữa không, Công đáp, vẻ cứng rắn: “Tại sao
không?”.
4. Một đầu bếp
trẻ khác đến từ Tây Bắc, Đỗ Quốc Toản (nhà hàng Red Dao -
Sapa) cũng mang nhiều tâm huyết đến cuộc thi Chiếc Thìa Vàng. Kinh doanh dịch
vụ ăn uống tại một thành phố du lịch, Toản có điều kiện biểu diễn, giới thiệu
những tinh túy ẩm thực cao nguyên với du khách, đầy nhiệt tình và ân cần. Anh
đến với cuộc thi cũng bằng tinh thần ấy, với nhiều món ăn được biến tấu từ
những loại gia vị mới lạ như hoa cơm nếp, cây ô dây, cây thắng cố, hạt dổi, cải
trời, mắc khén… Từ Sapa, đội của anh lặn lội xuống Hà Nội tham gia cuộc thi bán
kết từ trước hai ngày, cũng lỉnh kỉnh nhiều loại đặc sản độc đáo để nấu thắng
cố “cải biên”. Tuy nhiên, hạn chế lại là khâu giao tiếp và trình bày món ăn. Dù
chia sẻ cảm giác buồn tiếc khi không được “lần đầu tiên ngồi máy bay nếu vào
chung kết”, nhưng Toản thừa nhận anh học được rất nhiều từ cuộc thi. Trong đó,
vui nhất là mang những tinh túy ẩm thực cao nguyên Bắc bộ cùng những gia vị mới
giới thiệu rộng rãi tới mọi thực khách.
Đầu bếp Đỗ Quốc Toản
***
Đúng
như nhận xét của bà Văn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, giám khảo
khách mời của cuộc thi: “Tôi cảm thấy những đầu bếp trẻ đến với cuộc thi này
đều rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo, yêu nghề... Các bạn là những đại sứ ẩm
thực Việt!”.
Ông
Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng tin tưởng:
“Cuộc thi được tổ chức rất chuyên nghiệp, tâm huyết và rất kiên trì trải khắp
ba miền giúp chúng ta tìm ra các món ăn tiêu biểu của các vùng miền, của đất
nước. Từ đó thôi thúc khát vọng giới thiệu, quảng bá ẩm thực như một phần của
sản phẩm du lịch Việt tới bạn bè, du khách gần xa, đặc biệt là du khách quốc
tế. Xa hơn nữa, ẩm thực sẽ thổi thêm luồng gió giúp cất cánh ngành du lịch nước
nhà”.
Tại
lễ vinh danh và trao giải Chiếc Thìa Vàng 2015 tối 3.12.2015, Ban tổ chức đã
trao giải nhất gồm Cúp Đầu bếp và giải thưởng một tỉ đồng cho các đầu bếp Khách
sạn Lotte Hà Nội. Bốn đội đoạt giải nhì, tương ứng bốn hạng mục, gồm: Sofitel
Plaza Hà Nội đoạt giải Món ăn sáng tạo; Nhà hàng Tiệc cưới Thảo Ngoan - Đồng
Nai đoạt giải Món ăn dinh dưỡng; Khách sạn Continental TP.HCM đoạt giải Trình
bày đẹp; Khách sạn Kim Đô TP.HCM đoạt giải Món ăn dân dã, truyền thống đặc sắc.
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng với tổng giải thưởng tới hơn 3 tỉ đồng do công ty TNHH
Minh Long I tổ chức, nhãn hàng Ly’s Horeca tài trợ, với sự bảo trợ của hai đơn
vị cấp quốc gia là Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục
Du lịch Việt Nam.
Bài
Tấn Trung - Ảnh T.D
(Theo Người Đô Thị)