Food Stylist Bùi Lý Tiến Nguyên: “Vui vì một việc làm hoài không biết chán”

Thứ năm, 17/11/2016 15:09
0
0
Một chàng trai nhỏ nhắn, hài hước với nụ cười tươi trên môi, một sinh viên Đại học Bách khoa lại trở thành một Food Stylist tài năng và nhiệt huyết. Đó là Bùi Lý Tiến Nguyên, gương mặt trẻ nhưng không lạ với cộng đồng Food Stylist Việt Nam.
Để biết thêm về chàng trai này, hãy cùng nghe những chia sẻ thú vị của Nguyên về cuộc sống, đặc biệt là về một công việc mới mẻ tại Việt Nam - Food Stylist (làm đẹp món ăn).



Food Stylist trẻ Bùi Lý Tiến Nguyên

Cảm ơn bạn đã nhận lời tham gia buổi chia sẻ này. Trước tiên, để mọi người có thể biết đôi chút về mình, bạn có thể giới thiệu về bản thân?

Mình là Bùi Lý Tiến Nguyên, sinh năm 1990, mình đến từ Đà Lạt, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn. Mình từng học ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính (trường ĐH Bách khoa TP.Hồ Chí Minh), công việc hiện tại của mình là một Food Stylist và mình đã theo nghề này được 4 năm.


Bùi Lý Tiến Nguyên theo nghề Food stylist được 4 năm với những thành công nhất định

Từng là một sinh viên chuyên ngành Khoa học và kỹ thuật máy tính, lý do nào mà bạn rẽ ngang và trở thành một Food Stylist?

Với mình, được làm một công việc mà làm hoài không biết chán thì bạn mới có thể thành công. Có lẽ thời gian theo học ngành máy tính mình cảm nhận được điều đó. Mà thực ra cũng không hẳn rẽ ngang đâu, vì ngày bé việc mình thích nhất khi nấu ăn là ngồi xếp lại đĩa đồ ăn cho gọn đẹp, bắt mắt hơn cả việc ngồi thường thức nó. Mình đang hiện thực dần công việc mình làm hoài không biết chán thôi.



Kem cam


Một kiểu trang trí món dân dã Việt Nam của Tiến Nguyên


Mực nhồi

Cuộc sống của bạn thay đổi thế nào khi trở thành một Food Stylist? Ngoài công việc này, bạn còn theo đuổi nghề nào khác không?

Hiện tại, mình thấy vui vì được làm công việc yêu thích, được trải nghiệm nhiều thứ mới mẻ hơn, và được dành trọn thời gian cho một việc làm hoài không biết chán.


Truyền thông điệp ý nghĩa qua công việc mình làm


Cách sắp xếp món chả giò trái cây

Là một người trẻ theo đuổi nghề có thể gọi là khá mới lạ tại Việt Nam, bạn gặp những khó khăn gì khi bắt đầu?

Khó khăn ban đầu lớn nhất có lẽ là tiếp cận các kiến thức về nghề này. So với các nghề khác, Food Stylist được xem như một nghề còn rất mới, các tài liệu liên quan không nhiều và chỉ tập trung vào các món ăn phương Tây – nơi nghề này bắt đầu. Muốn trở thành Food Stylist ở Việt Nam, bạn phải tự tìm hiểu nhiều hơn mới có thể xử lý được tất cả các món ăn.


Daikon Parrot bằng nhiều loại rau quả

Bạn có thể chia sẻ đôi chút về quá trình hoàn thành một “tác phẩm” không?

Tùy theo yêu cầu mà quá trình styling món ăn sẽ thay đổi. Thông thường sẽ đi từ ý tưởng, layout sau đó tới các bước chuẩn bị nguyên liệu, test công thức, cách làm và cuối cùng là hoàn thiện trang trí món ăn.


Gửi Sài Gòn một chợ Bến Thành qua món cơm tấm



"Ăn gà để la cà thế giới"



Miếng bánh mì bớt đơn điệu hơn vì có biểu tượng Bitexco



"Giòn cay rôm rốp, chấm xốt béo ngậy"

Là công việc đòi hỏi một sức sáng tạo vô hạn, thường thì những ý tưởng của bạn đến từ đâu?

Cách styling món ăn của mình chịu ảnh hưởng khá nhiều từ những stylist nổi tiếng trên thế giới, nên mình chưa dám nhận là một người sáng tạo. Hàng ngày, mình ngồi tìm kiếm các hình ảnh mới trên mạng, rồi nghĩ thêm về việc áp dụng được gì cho công việc, thỉnh thoảng mình hợp tác làm một số dự án cá nhân theo hướng food art để thử nghiệm cái mới, tỉ lệ thành công không cao, nhưng điều đó khiến mình yêu công việc này nhiều hơn.

Món ăn để lâu sẽ không được như ban đầu, mà công việc của bạn lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và bình tĩnh, có khi nào bạn cảm thấy mất kiên nhẫn với công việc của mình chưa?

Một trong những tiêu chí quan trọng trước khi chọn nghề này là giữ được bình tĩnh, bởi một chút sơ sẩy mất kiểm soát có thể khiến công lao đổ sông đổ bể. Ví dụ, bạn đang ngồi sắp lại từng hạt cơm trên chén, nóng vội và khó chịu vì các hạt cơm dính bết vào nhau, thì bạn không thể xếp được chén cơm tơi đều ngon mắt đâu. Mình quen với việc ngày ngày vây quanh là ảnh đồ ăn, thật khó để diễn tả cảm giác khi không ngồi xem và làm hình đồ ăn mỗi ngày.

Có cách nào để giữ được món ăn trông tươi ngon, sống động qua từng bức hình như vậy?

Câu hỏi này có lẽ liên quan khá nhiều tới kiến thức nghề bếp, và thay đổi tùy theo mỗi stylist. Ví dụ với mình cách tốt nhất bảo quản rau gia vị tươi lâu là bạn nên trồng hoặc tìm mua cây mang theo trong các buổi chụp ảnh. Thỉnh thoảng chụp lá sen, hay trà xanh mình đều làm như vậy.


Chụp kem rất khó, Food Stylist phải tìm cách giữ cho kem luôn tươi ngon

Là một người tạo hình món ăn tạo cảm giác “thèm” cho người xem, bạn có “thèm” chính những gì bạn làm ra không?

Để làm được Food Stylist, điều quan trọng là bạn phải học được cái mọi người đã “thèm” món ăn đó như thế nào. Mỗi người mỗi ý, mỗi cách chọn món ăn khiến mình “thèm”.

Mình biết mình thích ăn gì, nên giờ mình chỉ tập trung vào tìm hiểu cảm nhận của mọi người về món ăn trông như thế nào khiến họ thích.


Kết hợp các nguyên liệu quen thuộc trở thành một món ăn, bức ảnh sinh động

Được biết, ngoài “đạo diễn” chính cho những bức hình ngon mắt về món ăn, bạn còn xuất hiện trong TVC giới thiệu về món ăn của các thương hiệu khác nhau, vậy thì giữa việc trang trí món ăn để chụp ảnh và tạo hình động quảng cáo khác nhau ra sao?

Về cơ bản là giống nhau, bạn đều phải chuẩn bị món ăn tốt nhất trước camera. Điểm khác biệt lớn nhất là với TVC, khối lượng thực phẩm và người tham gia tăng lên nhiều lần, vì vậy thường chỉ có những Food Stylist có nhiều kinh nghiệm, lập được nhóm mới đáp ứng được yêu cầu của các TVC.


Hình ảnh trên gợi lên cảm giác vừa nhẹ nhàng vừa sảng khoái

Bạn thường hợp tác với các thương hiệu nào? Đã từng có bất kỳ sự không hài lòng nào từ hai phía chưa?

Hiện tại, mình cảm thấy may mắn khi được làm việc với hầu hết các thương hiệu thực phẩm lớn tại Việt Nam. Với mình, mỗi cơ hội hợp tác đều đáng được trân trọng, nên khi có vấn đề phát sinh mình sẽ tìm phương án giải quyết hơn là gây mất lòng.


Quảng cáo chocopie cream  cùng với mẹ con Elly Trần



Hấp dẫn với mẩu giới thiệu bánh mì mới của Highlands coffee

Liệu có thể coi Food Stylist là “một người đầu bếp không biết nấu ăn” không?

Để trở thành Food Stylist, bạn nên hiểu về đồ ăn trước, sau đó mới làm đẹp cho chúng. Sẽ khó khăn hơn nhiều lần nếu không có một nền tảng kiến thức về bếp vững mà làm Food Stylist. Mình có dạo một vòng xem tiểu sử Food Stylist các nước, họ có khởi đầu khác nhau, người từ graphic design, art director, photographer... nhưng phần đông vẫn từ các trường lớn đào tạo ngành đầu bếp.

Bạn thấy nghề Food Stylist ở Việt Nam như thế nào?

Đây có lẽ là thời điểm sôi động của nghề Food Stylist tại Việt Nam, khi thông tin về nghề này được chia sẻ rộng rãi, nhu cầu từ khách hàng tăng lên, kéo theo nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho các bạn trẻ đam mê.


5 loại bò nướng được trình bày bắt mắt

Là một người nổi tiếng trong cộng đồng Food Stylist, bạn có chia sẻ gì với những Food Stylist tương lai?

Để trở thành một Food Stylist, mình nghĩ ban đầu nên bổ sung các kiến thức về ngành ẩm thực, nếu có kinh nghiệm thực tế càng tốt, vì bạn không thể làm một nghề mà nhắc đến thứ bạn cần xử lý, bạn cũng không hình dung ra. Sau đó là luyện tập, luyện tập.... mình nghĩ thành công một phần là may mắn, phần còn lại là chăm chỉ để tận dụng may mắn đó.


Món đơn giản nhưng bắt mắt



Để có bức ảnh sống động đòi hỏi Food Stylist cùng ê-kip phải vất vả mới thực hiện được

Được biết, bạn có mong muốn mở một lớp đào tạo về Food Stylist tại Việt Nam, nó đã được thực hiện đến đâu rồi?

Mình đang tạm dừng kế hoạch mở lớp để tập trung hơn cho các dự án, đồng thời để có thời gian hệ thống lại kinh nghiệm và kiến thức mình thu được trong quá trình làm việc, trước khi quyết định mở lớp hướng dẫn một ai đó.

Cám ơn và chúc bạn thành công hơn trong các dự án sắp tới.

Theo designs.vn

------------------------

* Tựa đề đã được thay đổi bởi Ban biên tập

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG