Gà H’Mông: Vị ngon Tây Bắc

Thứ hai, 05/08/2019 09:47
0
0
Cách đây chừng vài năm, cách gọi “gà H’Mông” vẫn còn lạ lẫm trong thực đơn bàn tiệc.

Thế nhưng những món đặc sản thường kích thích trí tò mò của thực khách nên chẳng bao lâu sau, từ núi rừng Tây Bắc, gà H’Mông ngược xuống miền xuôi, mau chóng trở thành món ăn khoái khẩu đối với thực khách tại nhiều địa phương.

Giờ thì đâu đâu cũng có thể tìm món ăn trứ danh này của núi rừng. Cũng như khoai Lệ Phố, dê núi Ninh Bình…, gà H’Mông trở thành thương hiệu mà khi nhắc đến, nhiều người lại thấy… ẩn hiện những đèo cao chập chùng vùng Tây Bắc.

Món quý của núi rừng

Người H’Mông gọi đơn giản đó là giống gà đen, còn người dân các vùng khác thì đặt hẳn cái tên gà H’Mông để phân biệt với gà ác hay ô kê của Trung Quốc.

Thoạt nhìn, nhiều người cũng dễ nhầm lẫn gà H’Mông với gà ác vì đó cũng là giống gà da thịt đen, xương đen, nhưng gà H’Mông có phần to con hơn.

Gà có nhiều màu lông khác nhau, nhưng quý nhất vẫn là loại lông đen, đầu có chỏm lông phớt lên trông như đội nón.

Loại này thường được xem là “gà thuốc”, hiếm và đắt hơn các loại gà đen H’Mông thông thường. Có được gà đen H’Mông đã quý rồi, hạng nhất hay hạng nhì thì có lẽ sang hơn một chút mà thôi.

Gà được các gia đình bà con dân tộc miền núi Tây Bắc nuôi theo hình thức thả rong nên thịt săn chắc, thớ không bở và thơm ngon hơn các giống gà ri, gà công nghiệp.

Nếu thịt gà dùng để chế biến món ăn thì xương gà còn được bà con H’Mông dùng để nấu cao, xem đó như một vị thuốc bổ, còn mật gà được dùng để chữa ho cho trẻ em.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhóm gà đen đặc biệt này và tìm ra trong thịt của chúng có hàm lượng axit amin và axit linoleic cao, ngược lại, hàm lượng mỡ và cholesterol thấp nên có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa suy nhược cho người vừa ốm dậy hay làm thực phẩm hằng ngày cho người muốn giảm cân, người mắc chứng tim mạch, tiểu đường… Gà H’Mông còn được xem như “gà thuốc” là vì lẽ đó.

Món ngon trên bàn tiệc

Hiện nay, gà H’Mông đã được nhân giống khá rộng rãi tại nhiều địa phương, nhờ đó nguồn cung cũng dồi dào hơn.

Thực khách muốn thưởng thức món ngon cũng không cần lặn lội đường xa, lên tận núi rừng để thỏa nỗi khao khát.

Trào lưu dùng gà H’Mông trong các quán ăn đặc sản hay nhà hàng sang trọng đang nở rộ ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.


Gà H’Mông đi cùng lẩu nấm cũng rất bắt vị.

Khi bước chân vào ngưỡng “đặc sản”, mỗi phần ăn với gà H’Mông thường trên dưới 200 ngàn đồng, tùy thuộc vào cách thức chế biến đơn giản hay phức tạp.

Thớ săn chắc, thịt ngọt đậm đà nên nấu món gì cũng hấp dẫn, dù làm qua loa như luộc chấm muối ớt chanh.

Muối ớt pha kỹ, giã thật nhuyễn để muối và ớt hòa lẫn vào nhau, nặn chanh vào đánh sủi bọt lăn tăn, cay nồng để chấm miếng thịt gà tuy không dày nhưng rất săn ngọt quả là rất tuyệt, một người có thể làm cả con mà vẫn còn thòm thèm.

Món gà rang muối gồm thịt gà được cắt thành miếng vừa, tẩm gia vị, gói vào giấy bạc, đem nướng trong muối rang nóng cũng khá thú vị.

Nếu đem nguyên con gà cho vào nồi cháo, luộc chín để chất nước ngọt ngào của thịt gà thấm vào từng hạt gạo rang thơm, còn phần thịt được xé tơi thì chén cháo gà sẽ trở thành một vị thuốc dân gian, giúp giải bệnh tật những lúc trái gió trở trời.

Đem gà chặt khúc, cho vào nồi lẩu sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút cũng rất ngon. Rất nhiều thực khách thị thành đã bị chinh phục ngay từ lần đầu ăn món gà H’Mông như thế.


Món lẩu âm dương cùng gà H’Mông.

Thịt gà H’Mông còn được chọn để đưa vào các loại lẩu nổi tiếng hiện nay như lẩu Thái, lẩu âm dương hay lẩu nấm. “Điều cần chú ý khi dùng thịt gà này là nên ăn khi gà còn nóng, vì để nguội sẽ hơi có vị tanh” – bếp trưởng Yod (Nhà hàng Thái Coca Suki) cho biết.

Theo các đầu bếp có kinh nghiệm, ngon nhất vẫn là món gà được chế biến theo đúng kiểu truyền thống của người H’Mông.

Thường thì người dân rẻo cao Hà Giang có món gà tiềm thuốc bắc, tuy không đầy đủ các vị thuốc theo cách của người Hoa nhưng dùng để bồi bổ sức khỏe thì cũng rất tốt.

Ngoài ra còn có canh thịt gà, gà nướng, gà hấp cùng các gia vị, thảo dược đặc trưng của núi rừng như hạt dỏi, củ nén, lá mắc mật…, tạo thành những món ăn có hương vị riêng khó quên.


Món gà nướng hạt dổi.

Bếp trưởng Lê Văn Châu (Nhà hàng Mangostine – Khách sạn Palace Sài Gòn) cho biết: “Gà H’Mông đi cùng gia vị Tây Bắc đã trở thành đặc sản ở chốn thị thành. Có lẽ vốn là giống gà sinh trưởng từ núi rừng nên vị gà kết hợp rất ăn ý khi ướp với các loại gia vị này. Món gà ướp hạt dỏi nướng tại nhà hàng hiện được khá nhiều thực khách ưa chuộng, kể cả các du khách nước ngoài muốn tìm kiếm, khám phá một hương vị thật khác lạ, thật mới mẻ của Việt Nam…”.

Theo Doanhnhan+

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG