Chày và cối - "vật tạo tác hương vị" của ẩm thực Nhật

Thứ ba, 04/04/2017 10:19
0
0
Người Nhật dùng chày và cối làm từ một loại gỗ cây đặc biệt để đem tới hương vị khác biệt cho các món ăn và tạo nên các loại sốt đặc trưng của ẩm thực xứ Phù Tang.

Ẩm thực – giống mọi thứ khác tại Nhật – rất vừa với văn hóa, bản sắc, lối sống của dân Nhật. Ngay cả vật gia dụng nho nhỏ như chày và cối giã cũng rất vừa vặn. Mà khi những món nho nhỏ lại hữu dụng như khít vào khuôn là người ta dễ nhớ, dễ yêu. Như chày với cối giã bằng đá từng là vật hữu ích thân thuộc trong nhà bếp Việt với hình ảnh bà ngoại ngồi giã thịt heo để làm chà bông bằng cối đá. Còn đối với người Nhật, chắc rằng họ sẽ luôn lưu tâm và trở thành biểu tượng văn hóa đặc biệt của ẩm thực.

Nhẹ, mịn, sạch

Cối suribachi của Nhật không đẽo từ đá mà làm bằng gốm, bên trong khắc chi chít rãnh nhỏ. Căn bản mà nói nó không cứng cáp như cối đá nhà ta, không dùng để nện đồ ăn thoải mái cho nhừ tử được. Nhưng bù lại nó nhẹ hơn, mỗi gia đình có thể tậu một cái to mà không cần oằn lưng mang vác. Truyền thống người Nhật cũng chẳng có nhu cầu nện món gì nặng nề nên cối gốm nhẹ nhàng thế là vừa.


                  Cối gốm Nhật, để ý sẽ thấy bên trong có nhiều rãnh nhỏ chạy xuyên suốt.

Chày giã của Nhật cũng làm từ gỗ, giảm nhức mỏi cho người sử dụng. Loại chày đẽo từ nhành cây, nguyên thớ gỗ luôn đắt và đẹp hơn loại chày gỗ công nghiệp. Chày gỗ surigoki loại xịn của Nhật. Muốn cầu kỳ hết cỡ cũng được, như người Nhật quan niệm rằng loại gỗ nào có mùi hương thơm thì gỗ ấy dùng làm chày surigoki rất tuyệt, do hương gỗ sẽ thấm vào món mình giã. Mấy cây surigoki khá đắt.


Tuy nhiên, mọi thứ chẳng phải chỉ để o bế người xem bằng cái sự nhẹ. Nhờ các rãnh nhỏ mà cối Nhật có thể nghiền các loại hạt, mè, rau thơm, cá nhỏ, nghiền miso, đậu tương… thành hỗn hợp mịn màng, nhìn đẹp mắt. Người dùng không cần đập chày chan chát nom kém duyên, chỉ cần lia cái chày, dùng chút sức men theo các rãnh mà nghiền. Và các rãnh này cũng ngăn không cho mấy nguyên vật liệu đó văng ra ngoài, làm bẩn nhà cửa. Đặc biệt gọn gàng là khi giã mè, giã hạt – những món xíu xiu hay bị “tung bay” theo gió.


        Cối gốm giã mè đen hoặc mè vàng, các loại hạt như hạt thông, hạt óc chó, đậu phộng.



Có thể dùng cối gốm này làm các loại sốt Tây nhẹ nhàng từ rau thơm, như giã húng basil với hạt thông, cho chút muối, dầu ô-liu và pho mát parmigiano-reggiano là có ngay sốt pesto của Ý.



                                                                 Sốt pesto xanh rờn



                 Trời nóng, có thể làm pasta sốt rau thơm xanh rì, ăn cho mát và thơm răng.

Nhiều người hay dùng cối gốm Nhật giã gia vị cà-ri, khỏi mua bịch gia vị đóng sẵn. Cối này dùng làm muối mè cũng ổn, tiện đủ đường mà dùng lại nhẹ nhàng, không bị cảm giác hùng hục. Các rãnh trong cối giúp nghiền đủ kiểu gia vị, từ tiêu tới hạt ngò, hạt mù tại, ớt, hạt thì là… chỉ cần giã nhẹ, rồi lia chày chà chà nghiền nghiền là xong.

Đậm đà vị sốt, nước chấm

Ngoài dùng gì cũng vừa phải, thanh tao, ngăn nắp gọn gàng… sự cố gắng tận dụng những thứ ít ỏi mình có để biến món lý ra hơi nhạt nhẽo thành ngon là một phẩm chất đáng khâm phục của Nhật. Món cao cấp của xứ anh đào luôn đắt rồi, nhưng các món bình dân người Nhật ăn mỗi ngày cũng là món Nhật vậy, và chúng thường đạm bạc, hay ít ra thì truyền thống ẩm thực của gia đình Nhật nó từng như thế, từng rất nhiều rau củ ngâm với rau luộc.

Nhật luôn cho rằng mình nghèo tài nguyên, dân chúng không ăn rau mỗi ngày là chẳng biết lấy gì khác bù vào. Do đó, các loại sốt mè, sốt từ hạt giã trong cối gốm suribachi chiếm vai trò quan trọng khi nhắc đến mảng “ẩm thực Nhật tại gia”.

Sốt mè phổ biến hơn cả, về mặt địa phương thì mè là nguyên liệu dồi dào và rẻ, về mặt dinh dưỡng thì trong mè luôn có chút dầu, ăn chung với rau thì chất béo trong mè sẽ giúp cơ thể chuyển hoá các loại vitamin. Người Nhật gọi sốt mè giã từ cối gốm bằng tên gomae hoặc goma ae. Chúng có lắm biến thể, đi từ mè giã với muối đến mè giã có bỏ thêm chút dầu, pha sệt với miso, mirin, sake, nước tương. Ngoài ra có thể cho vào mè tí rau thơm, dầm vào thêm hạt đậu tương. Trộn các kiểu sốt này với rau luộc là rau tự nhiên thơm béo bùi hẳn ra, dân chúng vui vẻ xơi rau mỗi ngày mà không ngán hay buồn vì món nhà nghèo của mình sao chán thế.


Đậu cô-ve trộn sốt mè vàng giã. Cứ rang hạt mè lên, giã mịn – hoặc không mịn nếu thấy vậy đẹp hơn – sau đó nêm muối, thêm dầu, thêm miso hay nước tương… pha loãng pha sệt là tuỳ khẩu vị.


                                  Bó xôi luộc với sốt mè đen giã nhuyễn nhừ mịn màng.


                      Cũng bó xôi luộc, nhưng có thêm miso trắng cho ngọt ngào đậm đà.

Người Nhật có thể kết hợp mè với các loại hạt khác như đậu phộng, và thay vì mè họ sẽ giã sốt từ hạt óc chó, hạt thông… các loại hạt này cũng có dầu và có nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên chúng không phổ biến bằng mè do chúng hơi hiếm, như hạt óc chó chỉ trồng được ở một số tỉnh và chỉ ra hạt vào mùa thu, giá của chúng đương nhiên đắt hơn mè. Dù vậy hạt óc chó rất thơm béo bùi nên giã nó trộn vào rau là ngon phải biết.


                       Măng Tây với hạt óc chó giã, trong hỗn hợp trộn có thêm miso trắng.

Giã nhừ xương cá cho bổ

Người Nhật không chỉ tận dụng cối gốm giã hạt với rau thơm, họ còn dùng nó để nghiền cá. Truyền thống nước Nhật luôn xơi lắm cá mà. Khổ nỗi các con cá bé xíu như cá trích, cá mai lại không có giá trị mấy. Khi đánh bắt được nhiều cá nhỏ quá, chế biến ăn không hết với làm mắm không hết, người Nhật từng dùng chúng ủ… thành phân bón ruộng.

Được cái cá nhỏ là món dân lành có thể dễ dàng mua ăn do chúng rẻ. Gặp dân lành nghèo thì họ lại xơi cá nhỏ thường xuyên. Vậy nên cối gốm tiếp tục trở thành vật hữu dụng: nó tuy không đủ vững chãi để giã nát thịt heo làm chả (mà người Nhật mới xơi heo gần đây thôi, trước đó không ăn nên thế cũng vừa vặn xài), nhưng các rãnh nhỏ trong cối gốm lại giúp họ nghiền nát mấy con cả nhỏ, nát luôn cả xương. Các loại chả cá nhỏ của Nhật thường có hết xương cá nằm trong đó, giã mịn đến nỗi ăn không cảm giác gì, chả vẫn mịn màng. Dân Nhật cho rằng như thế sẽ bổ dưỡng hơn là ăn mỗi phần thịt của con cá. Đặc biệt đối với người lam lũ ít có điều kiện ăn uống, việc họ lấy được hết dưỡng chất từ thịt và xương là điều đáng mừng.


Con cá nhỏ như cá trích, rạch bụng ra mọi ruột, rửa sạch, cắt bỏ phần đầu và chút vây đuôi (do hai thứ này giã kiểu gì vẫn sạm, không mịn, nên gom về làm nước dùng cá lợi hơn). Sau đó cắt nhỏ cá ra thành phần, cắt và bỏ luôn xương vào cối. Dùng chày gỗ vừa giã vừa nghiền, lia chày và ép cho xương nát ra theo các rãnh nhỏ. Giã cá cho mịn kiểu này hơi bị phê, nhưng đây là cách tốt để biến nguyên liệu bình dân rẻ tiền thành món vừa đẹp, vừa ngon, lại vừa bổ dưỡng. Khi giã mịn rồi, nếu thích ta có thể trộm thêm chút rau thơm, chút đậu hay rau củ xắt nhỏ. Nêm bằng muối, tiêu, nước tương, mirin hoặc các gia vị như hành tỏi gừng là ngon.


Chả cá này có thể vo thành viên, đem hầm cùng rau củ. Thế là xong một món đầy đủ thịt, rau (và xương). Hiện đại hơn một chút có thể dùng viên chả cá giã này nấu với sốt cà chua hoặc sốt cà-ri. Ăn rất hợp.

         Chả cá trích chiên, bên trong có trộn chút rau củ xắt nhỏ, ăn kèm củ cải trắng bào.


             Chả cá ngâm nước dùng dashi, ăn kèm bó xôi. Món này có thể ăn lạnh cho mát.


“Chả cá mai nguyên xương” chiên giòn làm không khó, nhưng cực vì giã với nghiền cho xương mịn.

Tất nhiên luôn có thể lấy chả cá giã đi chiên giòn, người Nhật rất hay chiên chả cá trích, ăn cũng ngon, dù không dai dai sướng miệng như cá thát lát nhà mình nhưng cá ấy cũng là đắt, ngoài hàng quán bán toàn ăn gian độn thêm thịt cá khác chứ ít ai chịu làm chả thát lát trăm phần trăm. Chả cá trích như vậy rẻ hơn, vẫn ngon và bổ nữa là quá thích.

P.L

(Theo japantourlist/Blog SOI)

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG