Đầu bếp trẻ Hà thành háo hức chinh phục Chiếc Thìa Vàng

Thứ bảy, 09/07/2016 18:15
0
0
Những chủ đề đặt ra trong các cuộc giao lưu ẩm thực và nghề đầu bếp, đặc biệt là “Hành trình gia vị Việt” đã tạo nên không khí trao đổi sôi nổi, hào hứng không chỉ với các đầu bếp chuyên nghiệp mà cả những đầu bếp tương lai tại Hà Nội.



Ông Chiêm Thành Long (giữa) và ông Nguyễn Xuân Hùng (phải) chia sẻ tại chương trình giao lưu

Bước vào mùa thi thứ tư, cuộc thi Chiếc Thìa Vàng – hành trình khám phá những loại gia vị mới lạ, tìm kiếm và tôn vinh món ngon Việt Nam và vinh danh những đầu bếp tài năng… đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đầu bếp thủ đô cũng như các tỉnh lân cận. Chính vì vậy mà buổi giao lưu "Xu hướng ẩm thực Việt thời hội nhập" (diễn ra ngày 7.7) và “Nghề đầu bếp – Sự lựa chọn của giới trẻ” (diễn ra ngày 8.7), do Ban tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các đầu bếp trẻ, đồng thời nhận được nhiều câu hỏi từ họ.

Trong đó, vấn đề được quan tâm nhất, chính là những nét mới của cuộc thi năm nay. Trả lời nội dung này, ông Chiêm Thành Long, cố vấn và là giám khảo chuyên môn của cuộc thi, cho biết để hướng đến tính chuyên nghiệp ngày càng cao, cuộc thi đã có những điều chỉnh cả về công tác tổ chức cũng như chấm thi. Những cập nhật này được thông tin rộng rãi từ thời điểm khởi động cuộc thi, cũng như đăng tải trên nhiều kênh thông tin của Ban tổ chức. Những nét mới có thể kể đến, như địa điểm thi đấu năm nay chỉ tập trung ở ba khu vực là TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội. Cuộc thi sẽ diễn ra trong phim trường, với khu vực thi rộng rãi. Năm nay ban tổ chức tạo điều kiện tối đa cho các đầu bếp khi trang bị mới và đầy đủ bàn bếp, các thiết bị bếp (như: lò 4 họng, giao, thớt, nồi, tủ mát…). Món tráng miệng sẽ không được chuẩn bị trước mà sẽ làm tại chỗ như ba món còn lại của thực đơn. Điều đặc biệt là giá trị giải thưởng của cuộc thi sẽ được tăng lên… Theo ông Long, những nét mới này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức để các đầu bếp thể hiện tài năng, kỹ thuật và lòng yêu nghề.

Cũng được quan tâm nhiều đó là chủ đề của cuộc thi, khi năm nay gia vị tiếp tục là một trong những điểm nhấn và cũng là thử thách thú vị đặt ra cho các đầu bếp. Trả lời câu hỏi: liệu có phải cứ đội nào sưu tầm và đưa vào thực đơn nhiều gia vị mới lạ thì sẽ cớ cơ hội đoạt giải? Ông Long cho biết, việc dày công tìm kiếm, nghiên cứu để đưa vào món ăn những gia vị mới của Việt Nam là công việc được ban giám khảo hoan nghênh nhưng đó chưa phải là yếu tố quyết định để được điểm cao. Thang điểm được cơ cấu với nhiều hạng mục riêng, như: tác phong - tổ chức bếp, kỹ thuật nấu ăn, chất lượng món ăn, trình bày… Việc mang vào thực đơn nhiều loại gia vị mới sẽ được đánh giá cao khi đầu bếp biết phối kết gia vị đó với các nguyên liệu, phát huy cao nhất giá trị hương và vị của món ăn: “Chính vì vậy có đội sử dụng những gia vị truyền thống, quen thuộc nhưng sáng tạo, kỹ thuật chế biến mới, kể được câu chuyện hập dẫn về món ăn thì vẫn được điểm cao. Vì vậy ban giám khảo khuyến khích các đầu bếp tìm kiếm, giới thiệu các loại gia vị mới, lạ đặc trưng của địa phương nhưng phải sử dụng hợp lý để tạo nên món ăn ngon, đặc sắc và an toàn”.


Các đầu bếp tương lai chăm chú nghe tư vấn về kinh nghiệm trở thành đầu bếp giỏi và thành công

Sự hưởng ứng với cuộc thi Chiếc Thìa Vàng không chỉ của riêng các đầu bếp chuyên nghiệp mà điều thú vị là các sinh viên, học viên ngành du lịch, nghề bếp của các trường cao đẳng, trung cấp nghề tại Hà Nội cũng rất sôi nổi. Nhiều đầu bếp tương lai đặt câu hỏi “sinh viên có được thi Chiếc Thìa Vàng hay không?”. Ông Chiêm Thành Long cho rằng cuộc thi dành cho các đầu bếp chuyên nghiệp, đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch… tức đã gắn với một đơn vị. Theo cá nhân ông Long, những sinh viên xuất sắc cũng có thể lập nhóm, đặt vấn đề với nhà trường để được giới thiệu đi thi vì thực tế là không ít người làm nghề bếp có kinh nghiệm rồi mới đi học lấy bằng chính quy, hay nhiều người khác dù đang đi học nhưng cũng đã, đang thực tập hoặc làm thêm tại các nhà hàng. Biểu dương tinh thần của các đầu bếp tương lai, ông Long cho biết sẽ trao đổi thêm với ban tổ chức để có những thông tin đầy đủ nhất gửi đến những cá nhân có nguyện vọng này khi đặt câu hỏi.

Cũng thông qua các chương trình giao lưu, một thực tế thú vị liên quan đến ngành ẩm thực được phác họa đó là đội ngũ các đầu bếp ngày càng trẻ hóa. Người trẻ ngày càng quan tâm đến công việc này nhiều hơn thể hiện qua số lượng tuyển sinh mỗi khóa. Ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề nấu ăn và Nghiệp vụ Khách sạn Hà Nội, cho rằng điều đó xuất phát từ thực tế, nhu cầu xã hội với công việc này ngày càng tăng, nghề đầu bếp được nhìn nhận đúng vai trò hơn chứ không còn là cảnh “quanh năm xoong chảo đen sì”, loay hoay nơi xó bếp nữa. Thậm chí, đây là nghề có mức lương hấp dẫn, có những đầu bếp có mức lương 2.000 USD, có nhiều cơ hội ra nước ngoài làm việc… Lấy thực tế từ chính đơn vị của mình, ông Hùng cho biết mỗi kỳ tốt nghiệp, có trên 90% sinh viên có việc làm ngay và trên 60% trong số đó là nghề đầu bếp.

Ông Hùng đánh giá, để có sự phát triển nhanh trong nghề nghiệp, ngoài những kiến thức, kinh nghiệm có được từ trường lớp hay môi trường làm việc, cần có sự cọ xát, giao lưu và thử thách tại các sân chơi chuyên môn. Bởi theo ông, thực tế hiện nay hầu hết đầu bếp Việt Nam được phân công một nhiệm vụ nhất định ở các đơn vị nhà hàng, khách sạn (nghĩa là làm cố định công việc đó), chưa được tham gia nhiều các chương trình giao lưu bên ngoài, dẫn đến còn nhiều bất cập, khuyết điểm trong kỹ năng làm việc nhóm, cập nhật xu hướng ẩm thực mới. Trong khi đó cơ sở đào tạo chỉ mới tập trung vào nội dung cơ bản, chưa có nhiều ảnh hưởng và tác động đến việc trau dồi kiến thức chuyên môn của học viên/đầu bếp. “Việc mạnh dạn thử thách ở các cuộc thi ẩm thực, đặc biệt là cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, một cuộc thi chuyên nghiệp, tổ chức bài bản dành cho khắp các vùng miền, được khuyến khích bởi Tổng cục Du lịch Việt Nam thì sẽ có những trải nghiệm rất tốt”. Ngoài ra, theo ông Hùng một yếu tố nữa cũng rất quan trọng mà các đầu bếp, đặc biệt là những đầu bếp tương lai cần lưu ý đó là ngoại ngữ vì đó là “cánh cửa mở ra thế giới”. Đồng tình với quan điểm trên, từ kinh nghiệm của một nhà tuyển dụng, ông Long cho biết kinh nghiệm, kỹ năng tay nghề đặc biệt là niềm say mê với nghề là những yếu tố quyết định để ứng viên được tuyển dụng.


Sinh viên và học viên chụp hình kỷ niệm với Đầu bếp Vũ Văn Thành, khách sạn Lotte Hà Nội, quán quân cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015

Đầu bếp Vũ Văn Thành, khách sạn Lotte Hà Nội, xuất hiện với tư cách đặc biệt: quán quân cuộc thi Chiếc Thìa Vàng 2015 và là người nấu biểu diễn một trong những món ăn giúp đội của anh đoạt cúp đầu bếp và giải thưởng 1 tỉ đồng. Ngoài ra, anh cũng là tâm điểm của những câu hỏi mà sinh viên đặt ra. Đầu bếp làm việc ở bếp cao nhất Việt Nam (tầng 63 khách sạn Lotte Hà Nội) cho biết, sau khi đoạt ngôi vị quán quân, anh được quản lý và những người xung quanh đánh giá cao hơn, được giao nhiều công việc mới ở vai trò quản lý ba nhà hàng. Tuy nhiên, trải nghiệm thú vị nhất mà anh có được chính là đã nấu và kể được những câu chuyện hấp dẫn về những món ăn Việt Nam: “Qua cuộc thi tôi cũng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm nghề bếp từ các đồng nghiệp, được khám phá những loại gia vị chưa bao giờ biết từ đồng bằng đến miền núi. Nếu không tham gia Chiếc Thìa Vàng chắc chắn sẽ không bao giờ có những trải nghiệm thú vị như vậy”.

Trả lời câu hỏi về con đường trở thành một đầu bếp giỏi thì nên đi theo bếp Á hay bếp Âu, đầu bếp Thành cho rằng: “Không cần phân biệt là bếp Á hay bếp Âu, không cần phân đang làm ở vị trí nào mà cần có niềm đam mê thực sự với nghề bếp, luôn chăm chỉ làm việc, tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng. Ai cũng có những khởi đầu, và tôi cũng vậy, đó là bắt đầu từ công việc của một người phụ bếp. Lúc đó tôi vừa đi học, vừa đi làm, chấp nhận làm mọi công việc từ nhặt rau đến nhổ lông gà. Làm việc mà không cần quan tâm sẽ được trả lương hay không và được trả bao nhiêu vì cái quan trọng nhất mình thu được đó là sẽ được quan sát, lắng nghe kinh nghiệm từ thực tế. Khi bạn là người có đam mê, có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực thì nhà tuyển dụng sẽ tự động tìm đến bạn và đặt bạn vào vị trí xứng đáng”.

Từ ngày 27 đến 29.9.2016, vòng sơ tuyển khu vực phía Bắc của cuộc thi Chiếc Thìa Vàng, dành cho các đầu bếp thủ đô Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, cao nguyên Bắc bộ sẽ diễn ra tại Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch và Xây dựng quốc gia (01 đường Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).


Nguyên Trang

(Theo Người Đô Thị)

0
0
Viết Bình luận Gửi bình luận
0 Bình luận

Món ngon Chiếc Thìa Vàng

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo – hương vị Tây Bắc

Chẳm chéo (chẩm chéo) là món chấm từ gia vị không thể thiếu được trong các bữa ăn hàng ngày cũng như khi đãi khách của dân tộc Thái. Đây vừa là món dân dã vừa đậm hương vị đặc sản núi rừng.

Điểm ăn ngon

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới

Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018.

Đầu bếp chia sẻ

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai – Huyền thoại sinh ra từ đám cháy

Jay Fai là một trong số ít những đầu bếp đường phố vinh dự nhận được ngôi sao Michelin. Để đi đến ngày vinh quang ấy, bà đã phải trải qua một tuổi xuân đầy mồ hôi và nước mắt.

Ẩm thực & Sức khỏe

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nấm - một “thần dược” cho não bộ

Nghiên cứu mới đã phát hiện ra rằng những người bổ sung nấm vào chế độ ăn - dù chỉ với một lượng không nhiều - sẽ giảm nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - một tình trạng tiền Alzheimer.

  • Viet Projects
  • Food & Hotel Vietnam
  • New Viet Dairy
  • Jacob ‘s Creek
  • Harmony Ly's

© 2014 / All rights & Copyrights reserved.

CHIẾC THÌA VÀNG